“Hàng rào” nào ngăn ô tô nhập khẩu?

Đúng như dự đoán, đầu năm 2017, khi lộ trình thuế trong khu vực bắt đầu giảm sâu (từ 40 xuống 30%), NK ô tô nguyên chiếc tăng đột biến trong khi các liên doanh lắp ráp ô tô trong nước giảm mẫu xe sản xuất trong nước. Giờ mới bàn đến giải pháp khuyến khích sản xuất, “ngăn” NK phải chăng là quá muộn. Quan trọng hơn, giải pháp nào để có thể đem lại hiệu quả như mong muốn.

Nhập khẩu tăng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã NK 15.275 xe ô tô, trị giá 309.740.647 USD, tăng 36,5% về lượng và 12% về trị giá. Chỉ riêng 15 ngày đầu tháng 3, số ô tô nguyên chiếc NK về Việt Nam là 6.348 xe, trong đó chủ yếu là ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống (4.802 xe với tổng trị giá 41,42 triệu USD).

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2016, Việt Nam NK 115.000 xe ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 2,322 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam đạt khoảng 30%/năm, ước tính năm 2017, sẽ có khoảng trên 150.000 xe ô tô NK vào Việt Nam, và lượng ngoại tệ mang đi NK ô tô sẽ lên tới ngót 3 tỷ USD. Và theo xu thế NK xe nguyên chiếc ngày một gia tăng, năm 2018 và những năm tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục phải bỏ ra một lượng lớn ngoại tệ để NK ô tô.

Lượng xe NK nguyên chiếc tăng sẽ tác động lớn tới sản xuất ô tô trong nước. Với đà này nếu không có giải pháp hữu hiệu, ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ gặp khó khăn, các liên doanh sản xuất ô tô sẽ đơn giản tuyên bố “ngừng sản xuất”, chuyển sang NK.

Đơn cử như năm 2017 liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam đã giảm lượng xe lắp ráp trong nước từ 5 mẫu xe xuống còn 4. Đại diện DN này cũng không giấu giếm kế hoạch sẽ tiếp tục giảm xuống còn 2-3 mẫu trong thời gian tới.

Bàn giải pháp

Theo lộ trình cam kết trong ASEAN, từ năm 2014 đến 2018 Việt Nam sẽ cắt giảm dần thuế NK với xe nguyên chiếc (đạt giá trị khu vực từ 40% trở lên) từ 60% xuống 50 % (năm 2015), xuống 40% (năm 2016), 30% (năm 2017) và 0% (năm 2018)

Lộ trình thuế trong khu vực giảm, NK ô tô nguyên chiếc sẽ tăng là một thực tế đã được nhìn thấy trước. Trong bối cảnh công nghiệp (CN) sản xuất ô tô trong nước gần như “chưa có gì”, dây chuyền sản xuất chủ yếu mới chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra thì việc tìm ra giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, giảm lượng NK được xem là bài toán khó.

Sau thời gian rất dài, tháng 7/2014 Bộ Công Thương mới hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và Quyết định 1211/QĐ-TTg quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, giải pháp chính sách cụ thể để phát triển ngành CN ô tô thì mãi chưa có.

Gần đây nhất, tháng 2/2017, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm để tìm giải pháp phát triển ngành CN ô tô trong nước. Thông tin từ cuộc tọa đàm này một lần nữa cho thấy: “Ngành CN ô tô tuy đã hình thành nhưng còn yếu kém, chỉ sản xuất được một ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp”; “Tỉ lệ NĐH xe cá nhân đạt thấp, bình quân 7-10%” và “Giá xe vẫn cao so với các nước trong khu vực”. Từ đó, cơ quan này đưa ra 3 nhóm giải pháp để phát triển ngành CN ô tô.

Nhiều giải pháp kỹ thuật đang được tính đến để ngăn lượng ô tô NK đang tăng nhanh

Nhóm giải pháp đầu tiên là tạo dựng thị trường cho các nhà sản xuất ô tô trong nước trên cơ sở khuyến khích sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước, bảo hộ hợp lý thị trường xe. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để có các biện pháp bảo hộ hợp lý thị trường thông qua hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại như giá khai báo thuế, gian lận CO nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan.

Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung vào việc hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo đó, sẽ tính tới việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng, hài hòa các tiêu chuẩn. Đối với thuế NK linh kiện và phụ tùng, sẽ nghiên cứu điều chỉnh thuế theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế NK ô tô thành phẩm. Đồng thời, nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế TTĐB đối với xe có tỉ lệ NĐH cao, tức không đánh thuế TTĐB đối với phần giá trị tạo ra trong nước.

Nhóm giải pháp thứ ba là tập trung phát triển CN hỗ trợ trên cơ sở đề nghị các DN sản xuất, lắp ráp ôtô hợp tác tạo liên kết với các DN nội địa tham gia sản xuất phụ tùng, linh kiện trong nước; hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng thông qua Chương trình phát triển CN hỗ trợ.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành CN ô tô với nhiều giải pháp cụ thể được đưa ra.

Không dễ

Các giải pháp mà Chính phủ cũng như các bộ, ngành đang đưa ra để hỗ trợ sản xuất trong nước là cần thiết, song “thực hiện không dễ”.

Bởi thời gian để ngành sản xuất trong nước “vươn lên” đủ sức cạnh tranh với sản phẩm NK dường như không còn khi lộ trình giảm thuế đã thực hiện và chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là xuống 0%.

Quan trọng hơn, với thực tế hiện nay, giải pháp nào sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn. Có thể nói 20 năm qua ngành CN ô tô đã được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư, chính sách thuế…, song các DN (chủ yếu là các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài) thay vì đầu tư đảm bảo mức tỉ lệ NĐH như cam kết (từ mức 10% lên 40% trong vòng 10 năm), hiện mới đạt trung bình 7-10% và phần lớn mới đạt mức độ lắp ráp giản đơn. Suốt thời gian dài các DN ô tô chủ yếu sống nhờ vào bảo hộ và khi thuế giảm xuống, nhiều động thái cho thấy các DN không lắp ráp ở Việt Nam nữa mà sẽ NK nguyên chiếc về bán.

Các hàng rào kỹ thuật, nếu được dựng lên, một mặt sẽ phải tính đến làm sao để không vi phạm các cam kết quốc tế. Mặt khác, giải pháp này tuy sẽ khiến ô tô nguyên chiếc NK khó khăn hơn, chí phí cao hơn, song chưa hẳn sẽ giúp sản xuất trong nước cạnh tranh được khi mà theo Bộ Công Thương, hiện “Giá bán xe vẫn ở mức cao trong khu vực”, “Chất lượng xe lắp ráp trong nước chưa bằng xe NK”.

Trong khi một số DN sản xuất trong nước như Công ty CP ô tô Trường Hải và Hyundai Thành Công… đang phải gian nan giải bài toán tăng sản lượng để giảm giá thành cạnh tranh với sản phẩm NK.

Rõ ràng bài toán sản xuất trong nước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải nhanh chóng có giải pháp, quan trọng hơn, giải pháp phải “trúng” và “đúng” để có thể cạnh tranh với “cơn lũ” xe NK đã và sẽ tràn vào.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: Bộ Công Thương khẩn trương soạn thảo Nghị định về sản xuất, lắp ráp, NK ô tô; Nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc NK gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước; Đẩy mạnh phát triển CN hỗ trợ…

Bộ Tài chính: Tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc NK (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế; Nghiên cứu đánh giá lại mức thuế TTĐB, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up); Rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế NK ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được; Rà soát các chính sách thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng NK để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không để lợi dụng, gian lận thương mại.

Các bộ nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc NK, bảo đảm không để xe ô tô có chất lượng kém được NK vào Việt Nam; Đơn giản hóa các thủ tục kiểm định xe ô tô đưa vào lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô.

(Nguồn: Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 14/3/2017 về tình hình nhập khẩu ô tô)