“Hội nghị Diên Hồng” 2017: Khi Thủ tướng làm liền tay!

Doanh nghiệp tư nhân được “nhường sân”

Hội Nghị Diên Hồng năm nay diễn ra ngay sau Hội Nghị Trung ương 5 với nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Họp báo trước thềm Hội nghị, đại diện phát ngôn Chính phủ đã nhấn mạnh, đây là cuộc gặp ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp tư nhân, để họ được cất lên tiếng nói của mình.

Khai mạc Hội nghị Diên Hồng, trước khoảng 10.000 đại diện doanh nghiệp từ khắp cả nước (đến trực tiếp và cả theo dõi qua cầu truyền hình), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lại lời của những tiền nhân đi trước: “Người thầy của doanh nhân Việt Nam, chí sỹ Lương Văn Can đã nói đại ý như thế này: Văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt, việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy”, để khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân với sự phát triển của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn ước mơ của doanh nhân Bạch Thái Bưởi như để gửi gắm ước muốn của mình: Tôi nhớ một nhà khởi nghiệp tư sản dân tộc tiêu biểu của chúng ta, ông Bạch Thái Bưởi từng nói: “Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”.

Cuộc gặp lần này, được đánh giá có nhiều điểm mới so với lần gặp 1 năm trước đó ở Hội trường Thống Nhất (TP. HCM). Bởi lẽ, thay cho những bức xúc dồn nén trong những phát biểu của doanh nghiệp, là những đề xuất, góp ý thẳng thắn của doanh nghiệp cho Thủ tướng và những người đang điều hành Chính phủ.

Và cũng dễ dàng nhận ra, lần gặp mặt này, dù có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham dự, nhưng “tiếng nói” đã được nhường cho các doanh nghiệp tư nhân. “Cái gì doanh nghiệp làm được thì nhà nước không làm nữa, bởi nếu càng làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn”, ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hoá phát biểu.

“Chúng tôi kiến nghị không hình sự hoá các vi phạm kinh tế của doanh nghiệp để doanh nghiệp có cơ hội được khắc phục nếu có sai sót”, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT BRG.

Tại hội nghị, gánh nặng chi phí cả chính thức lẫn không chính thức, thanh kiểm tra nhiều lần, hình sự hoá các vấn đề kinh tế, hay việc phân bổ lại nguồn lực cho tư nhân, để tư nhân có thể tham gia nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế… lần lượt được nêu ra bởi cả các doanh nghiệp lẫn lãnh đạo Chính phủ.

Trên thực tế, đây không phải là những vấn đề mới. Một năm trước đó, Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp đã từng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ những nút thắt, nhằm cởi trói cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, như một đại diện doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh, chủ công ty Thuỷ sản Thuận Phước chia sẻ: “Nhiều chuyện vốn là thâm căn cố đế, Chính phủ dù nỗ lực nhưng cũng không thể giải quyết ngay trong một sớm chiều”.

Những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong năm vừa qua, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, các cơ quan địa phương đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ quan này đồng thời ghi nhận tổng hợp ý kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện công tác quản lý thuế, hải quan năm 2016 trên phạm vi cả nước.

Hiện Bộ Tài chính, cơ quan thuế và cơ quan Hải quan đã tiếp nhận, xử lý trên 20.000 văn bản giải quyết, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp được tổng hợp từ nhiều thông tin. Trong đó, cơ quan thuế đã giải quyết trả lời 17.500 kiến nghị, cơ quan Hải quan đã xử lý trên 2.500 kiến nghị.

“Các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính cũng được đẩy mạnh ở các lĩnh vực như tài chính đất đai, cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, quản lý giá cả thị trường, huy động vốn, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nói thêm trong thời gian tới sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong toàn ngành… góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp chủ động tận dụng cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ổn định”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Đối với những lo ngại về hình sự hoá các vấn đề kinh tế, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, ông Lê Minh Trí đã đưa ra cam kết: “Ngành sẽ phấn đấu hạn chế và không hình sự hoá các quan hệ dân sự, hành chính và kinh tế”.

Hơn thế, ông Trí cũng cho biết ngành của ông sẽ làm hết sức mình để bảo vệ cách làm sáng tạo của doanh nghiệp ở các lĩnh vực mà pháp luật hiện hành chưa kịp cập nhật, kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi luật để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan kiểm sát cũng tăng cường kháng nghị bản án dân sự hành chính, đặc biệt các bản án kinh tế thương mại, đối với những bản án không đúng pháp luật để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp.

Những phát biểu trên của ông Trí nhận được sự phản ứng rất tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Bốn ý kiến được nêu ra là bốn lần hội trường tràn ngập trong trong tiếng vỗ tay hưởng ứng.

Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đưa ra năm đề xuất với Chính phủ. Hai trong năm đề xuất đáng lưu ý là việc Chủ tịch Chung đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp từ công sang tư thông qua cơ chế đấu thầu và quyết tâm cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước ở những lĩnh vực không cần nắm giữ.

Thủ tướng làm tiền tay

Thủ tướng, trước Hội nghị Diên Hồng ngày 17/5 dường như đã “tặng quà” sớm cho cộng đồng doanh nghiệp. Đó là Quyết định 53 – Quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng được Thủ tướng ký ngày 8/5/2017 tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng hoạt động.

Đó là văn bản chỉ đạo ngày 16/5 yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán giúp doanh nghiệp bớt khó khăn trong việc đầu tư sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch VCCI khi phát biểu đã rất xúc động bộc bạch: “Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng, thực sự tiếp sức cho doanh nghiệp”.

Và ngay trong buổi Hội nghị, trước những bức xúc bị dồn nén của doanh nghiệp trong thời gian qua vì bị làm phiền, nhũng nhiễu nhiều vì kiểm tra, Thủ tướng đã ban hành ngay một văn bản, số 20, yêu cầu các cơ quan cấp bộ, địa phương không được thanh tra doanh nghiệp quá một lần trong năm, không được mở rộng nội dung nếu thanh tra đột xuất.

Ngay lập tức, cả hội trường tràn ngập tiếng vỗ tay mừng vui.

“Tinh thần của Chính phủ là sẽ luôn nỗ lực để tạo được một môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với với kinh doanh. Trong đó, không chỉ có tự do kinh doanh, sáng tạo mà còn cả an toàn”, Thủ tướng khẳng định lại quan điểm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh năm 2017 sẽ là năm giảm phí cho doanh nghiệp, từ những khoản chính thức cho đến phi chính thức. Chính phủ cũng sẽ xoá bỏ sự ưu ái công tư, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế: đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả thương mại.

“Tôi xin khẳng định một lần nữa rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư”, Thủ tướng nói.

“Cần xây dựng được môi trường kinh doanh tốt, năng lực cạnh tranh cao. Đó không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn phải có sự an toàn. Đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Môi trường kinh doanh tạo ra độ tin cậy cao, vững chắc, để mọi người không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất”, Thủ tướng nói thêm.

Kết thúc phiên họp dài 7 tiếng với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng tiếp tục giành thêm 2 tiếng rưỡi nữa để làm việc với lãnh đạo các bộ ngành để giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.

Trong phiên họp cuối ngày đó, Thủ tướng đã chăm chú lắng nghe dự thảo Chỉ thị về triển khai hiệu quả Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu làm rõ các nội dụng được đưa ra trong dự thảo liên quan đến các bức xúc của doanh nghiệp đưa ra trong ngày. Những nội dung này, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành để ký ban hành.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ phía Chính phủ cũng như sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng doanh nghiệp, hẳn nhiên, Việt Nam có thể mơ về giấc mơ “con hổ mới” của châu Á như phát ngôn đầy cảm hứng của Tổng giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải. Hoặc, nói theo cách của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu”.