Gần đây liên tục các dự án nhiệt điện than với quy mô hàng chục tỷ USD được đề xuất, chấp thuận đầu tư. Mới đây, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến về vị trí cụ thể của trung tâm nhiệt điện Long An. Dự kiến trung tâm này sẽ được xây dựng và vận hành từ năm 2024 để giúp giải quyết việc thiếu điện của miền Nam. Vốn đầu tư cho dự án lên tới 5 tỷ USD.
Các dự án tỷ USD được cấp phép
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự kiến nhu cầu than tiêu thụ cho trung tâm nhiệt điện Long An sẽ lên đến gần 10 triệu tấn/năm. Nguồn than sẽ lấy từ Úc, Indonesia. Vị trí dự án được đề xuất chọn là tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (Long An), sát với Tp.HCM.
Loạt dự án nhiệt điện than khác cũng trong kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. Chẳng hạn, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng trạch 1 với vốn đầu tư 33.000 tỷ đồng, thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch.
Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự kiến khởi công cuối năm 2017, phát điện tổ máy 1 vào năm 2021 và phát điện tổ máy 2 vào năm 2022. Còn nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 sẽ được xây dựng năm 2019.
Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) vừa ký thỏa thuận đầu tư dự án BOT nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, tổng công suất tổ máy 1 đạt 1.200MW gồm 2 tổ máy 600MW.
Dự án sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2021, tổ máy số 2 năm 2022. Khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu. Nhà máy được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Cuối năm 2016, dự án dự án BOT nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, có vốn đầu tư 2,3 tỷ USD đã được chấp thuận đầu tư chính thức. Dự án có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy 600 MW, sản xuất điện bằng nguyên liệu than nhập khẩu.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm.
Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW.
Theo Quy hoạch điện VII, Việt Nam sẽ có thêm 40 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030.
Vào năm 2030 tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18.000 MW.
Hiện nhiệt điện than dung cấp 40% sản lượng điện cho cả nước, trong tương lai con số này tiếp tục nâng lên, thuỷ điện có xu hướng giảm đi. Việc ồ ạt xây dựng các nhà máy nhiệt điện than có thể được lý giải dựa trên hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tiềm lực xây dựng nhà máy thuỷ điện gần như đã cạn kiệt do nguồn thuỷ văn hạn chế, theo mùa ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy. Các nguồn năng lượng sạch, năng lượng sinh học, điện gió,…có ưu điểm bảo vệ môi trường song giá thành đắt.
Trong khi nhiệt điện than đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên, giá thành rẻ, phù hợp với hoàn cảnh thực tế nền kinh tế, song có rủi ro môi trường.
Thứ hai, nhu cầu dùng điện của Việt Nam tăng quá nhanh do vận hành một nền kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng nên áp lực lên ngành điện rất lớn.
Nhu cầu 30 tỷ USD đầu tư trong 5 năm
Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất của các nhà máy điện năm 2020 phải đạt 60.000 MW, nghĩa là trong 5 năm 2016-2020, cần đưa vào thêm 21.650 MW.
Theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư trong 5 năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỷ USD. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỷ USD, tức mỗi năm gần 7,9 tỷ USD.
Dù nhà máy nhiệt điện quy hoạch ồ ạt, song Bộ Công Thương cũng đang tỏ ra cẩn trọng trong vấn đề này. Mới đây khi dư luận lo lắng về nguy cơ ô nhiễm về việc phát triển Trung tâm điện lực Long An – vốn đầu tư 5 tỷ USD, Bộ Công Thương đã trấn an dư luận là chỉ phê duyệt quy hoạch khi thấy phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ quản lý quá trình triển khai các dự án. Ngay từ việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm, áp dụng công nghệ tiên tiến, có cam kết đảm bảo môi trường trong đầu tư cũng như vận hành nhà máy.
Khi thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, các dự án phải có giải pháp kỹ thuật tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, đặc biệt xem xét kỹ các nội dung liên quan đến môi trường: công nghệ áp dụng, giải pháp xử lý phát thải, giám sát của cộng đồng…
Gần đây, hiện tượng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than tại đồng bằng sông Cửu Long, khiến lãnh đạo Bộ Công Thương phải yêu cầu các nhà máy nhiệt điện xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy nhiệt điện, đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường.
Bộ Công Thương cũng ban hành một danh sách các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trong đó có nhiều dự án nhiệt điện góp mặt trong danh sách này: nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh